TT - Hơn nửa triệu dân TP.HCM đang đăng ký khám chữa bệnh ở tuyến trên phải về bệnh viện quận huyện. Người dân lo lắng, bệnh viện quận huyện “hồ hởi”, còn bệnh viện tuyến tỉnh thành lo mất nguồn thu.
Từ cuối tháng 1-2012, Bảo hiểm xã hội (BHXH) VN có văn bản “đốc thúc” BHXH các tỉnh, TP phải xây dựng kế hoạch và thực hiện chuyển đổi thẻ BHYT từ tuyến tỉnh về y tế cơ sở (bệnh viện quận huyện, trạm y tế phường xã). BHXH VN “giao chỉ tiêu” trong quý 1-2012 phải hoàn thành việc này.
Ông Trần Văn Thịnh (59 tuổi, Q.3) cho biết bảy năm nay ông đăng ký khám chữa bệnh tại BV Nguyễn Tri Phương. Mới đây, khi ông đi gia hạn thẻ mới thì cơ quan BHYT yêu cầu ông phải về đăng ký ở BV Q.3. Theo ông Thịnh, ông bị rất nhiều bệnh là tiểu đường, cao huyết áp, mỡ máu cao... Bao nhiêu năm nay, hồ sơ bệnh án của ông nằm ở BV Nguyễn Tri Phương, bác sĩ của BV này đã theo dõi sức khỏe của ông xuyên suốt nên ông rất an tâm khi điều trị ở đây. Giờ phải về BV Q.3 làm hồ sơ bệnh án từ đầu, nhiều loại thuốc ở BV quận lại không có, ông cứ thấy lo lo.
Trên lo, dưới mừng
Bệnh nhân khám và điều trị bệnh theo chế độ bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TP.HCM - Ảnh: Thanh Đạm |
Theo yêu cầu này thì năm 2012 tại TP.HCM có gần 192.000 người phải khám chữa bệnh ở quận huyện. Ngoài ra, BHXH VN còn yêu cầu trong năm nay phải chuyển ít nhất 50% đối tượng BHYT bắt buộc đang đăng ký ở BV tuyến tỉnh (như BV Nguyễn Trãi, Nguyễn Tri Phương, An Bình, Đa khoa Thủ Đức...) về cơ sở. Như vậy, tại TP.HCM sẽ có hơn nửa triệu người đang đăng ký ở BV tuyến tỉnh phải về tuyến y tế cơ sở.
Xin được ở lại
TP.HCM hiện có hơn 4,7 triệu người tham gia BHYT. Tính đến cuối năm 2011, còn 1.319.414 đối tượng đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại 27 BV công lập và ngoài công lập được xếp loại là BV tuyến tỉnh. Trong hơn 1,3 triệu thẻ nói trên có 191.961 thẻ thuộc đối tượng BHYT tự nguyện. |
Ông Lê Hiệp Thành (Q.5) kể ông bị bệnh tiểu đường, cao huyết áp và đã mua BHYT tự nguyện, đăng ký tại BV An Bình bốn năm nay. Khi thẻ hết hạn, ông mua tiếp và xin đăng ký ở BV An Bình thì địa phương không cho mà bảo ông phải đăng ký ở BV Q.5 hoặc quận huyện nào cũng được.
“Tôi trị bệnh tại BV An Bình đã lâu, hồ sơ bệnh án và thuốc men điều trị cũng đã quen. Đã gọi là BHYT tự nguyện mà sao tôi không được quyền chọn mua BHYT theo ý nguyện của mình?” - ông Thành bức xúc.
Một bạn đọc giấu tên viết thư gửi Tuổi Trẻ phàn nàn việc không được tiếp tục đăng ký tại BV Nguyễn Trãi như trước đây mà phải về BV Q.3. Theo bạn đọc này, ông bị bệnh tiểu đường, mấy năm nay ông mua BHYT tự nguyện tại BV Nguyễn Trãi và thường xuyên đến khám, điều trị nội trú tại đây. “Nếu BV Q.3 theo chủ trương giảm tải cho các BV lớn mà “ôm” lại điều trị cho tôi, không cho chuyển viện, tôi thật sự không an tâm” - bạn đọc này nói.
Bệnh nhân đến đăng ký khám và điều trị bệnh theo chế độ bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TP.HCM - Ảnh: Thanh Đạm |
Ở thời điểm Luật BHYT có hiệu lực vào ngày 9-7-2009, BHXH TP.HCM và Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản kiến nghị Bộ Y tế và UBND TP cho phép người có thẻ BHYT tiếp tục được đăng ký ở BV tuyến tỉnh theo phương thức “ai ở đâu ở nguyên đó”, trừ đối tượng đăng ký mới. Thời điểm này, BHXH TP và Sở Y tế TP đưa ra lý do: nếu thực hiện theo Luật BHYT thì các cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện và xã sẽ quá tải, người bệnh mất thời gian và tốn kém chi phí chuyển viện lên tuyến trên. Vì vậy, hai đơn vị này đề xuất lộ trình trong vòng năm năm thì tuyến y tế cơ sở của TP mới có đủ thời gian chuẩn bị hạ tầng cơ sở, trang thiết bị, nguồn nhân lực... để đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người có thẻ BHYT mà BV tuyến tỉnh chuyển giao về.
Theo khảo sát của PV Tuổi Trẻ tại nhiều BV là BV Q.Tân Bình, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Q.8, Q.10, Q.2, Q.6 thì giám đốc các BV này đều khẳng định có đủ nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và mỗi BV này có thể tiếp nhận thêm 30.000-70.000 thẻ BHYT. Đơn cử, BV
Q.Bình Thạnh dù có số lượng thẻ đăng ký “khủng” nhất nhì TP (gần 230.000 thẻ) vẫn có thể tiếp nhận thêm 50.000-70.000 thẻ BHYT nữa vì đã và đang mở thêm bàn khám, điểm khám vệ tinh, khu khám bệnh mới. BV Q.Tân Bình cũng khẳng định: “Nếu giao thêm 50.000 thẻ BHYT nữa vẫn đủ khả năng tiếp nhận do đang xây thêm 6-7 phòng khám BHYT”. BV Q.10 cũng nói tiếp nhận thêm được khoảng 50.000 thẻ. BV Q.2 còn “đang xin tiếp nhận thêm 30.000 thẻ BHYT nữa” do công suất còn dư, cơ sở vật chất rộng rãi... BV Q.Phú Nhuận, BV Q.8 cũng nói “tiếp nhận được thêm 50.000 thẻ”. BV Q.6 - dù đang có gần 130.000 thẻ BHYT đăng ký - nhưng “với nhân lực, cơ sở vật chất hiện tại, có thể tiếp nhận thêm 50.000-70.000 thẻ nữa”...
Trong khi các BV quận huyện “hồ hởi”, sẵn sàng tiếp nhận thêm thẻ BHYT thì không ít BV tuyến tỉnh tại TP lại lo ngại mất nguồn thu, lo phải “ngồi chơi xơi nước”, lo phải “trông chờ nguồn bệnh nhân từ quận huyện chuyển về”...
Một BV tuyến tỉnh cho rằng dù BV quận huyện nói còn nhận thêm được vài chục ngàn thẻ BHYT nhưng chưa biết khả năng thật sự của các BV tuyến cơ sở thế nào, trang thiết bị, cơ sở vật chất có đáp ứng việc điều trị theo mong muốn của bệnh nhân không. Theo BV này, đối với người bệnh thì niềm tin, sự an tâm rất quan trọng. Khi người bệnh tin tưởng bác sĩ nào, BV nào thì khả năng khỏi bệnh sẽ cao hơn. Nếu không yên tâm, người bệnh sẽ tìm cách để xin chuyển viện.
Bác sĩ Trần Kim Tân - trưởng phòng kế hoạch tổng hợp BV Nguyễn Trãi - cho rằng nếu đột ngột chuyển đổi hết thẻ BHYT đang đăng ký ở tuyến tỉnh về quận huyện thì có thể xảy ra tác động nhất định đến người bệnh, đến các BV. BV Nguyễn Trãi có thể rơi vào tình trạng “trống” bệnh nhân do hơn 90% bệnh nhân đến khám chữa bệnh ngoại trú, nội trú tại đây là người có thẻ BHYT.
Sở Y tế TP cũng lo nhiều BV quận huyện đã có hiện tượng quá tải. Nếu tiếp tục chuyển thẻ BHYT về quận huyện sẽ làm tăng thêm khó khăn cho các đơn vị này và có thể sẽ xảy ra tình trạng quá tải cục bộ. Hơn nữa, thời gian qua các BV tuyến tỉnh thuộc sở đã được đầu tư nâng cấp nhiều về nhân lực, cơ sở vật chất và trang thiết bị, hiện vẫn chưa hoạt động hết công suất và còn khả năng tiếp nhận thêm bệnh nhân BHYT.
Do vậy, trước “hối thúc” của BHXH VN và BHXH TP, Sở Y tế TP không chỉ tiếp tục gửi văn bản xin tạm hoãn thực hiện giảm 50% thẻ BHYT ở BV tuyến tỉnh về quận huyện trong năm 2012 mà còn đề nghị phân bổ thêm thẻ BHYT cho tám BV tuyến tỉnh thuộc sở là An Bình, Nguyễn Trãi, Nguyễn Tri Phương, Gia Định, Sài Gòn, đa khoa khu vực Hóc Môn, đa khoa khu vực Thủ Đức và đa khoa khu vực Củ Chi. Tuy nhiên, đến nay BHXH VN chưa trả lời có đồng ý hay không.
Chuyển đổi từng bước
Theo bà Lưu Thị Thanh Huyền - phó giám đốc BHXH TP.HCM, BHXH TP đã chỉ đạo BHXH các quận huyện tạo điều kiện cho chuyển ngay nếu người dân nào đang đăng ký ở BV tuyến tỉnh muốn về quận huyện, mà không cần đợi đến ngày thẻ hết hạn mới chuyển. Với đối tượng BHYT tự nguyện, nếu đã mua và đăng ký ở BV tuyến tỉnh từ đầu năm thì tiếp tục giữ như vậy cho đến hết hạn thẻ. Trường hợp mua thẻ mới hoặc gia hạn thẻ bắt buộc phải đăng ký ở tuyến cơ sở.
Bà Huyền cho biết tại TP còn có nhiều phòng khám đa khoa tư nhân sẵn sàng tiếp nhận khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT nhưng người dân còn ít đăng ký vì ngại phải đóng thêm chênh lệch khi đến khám chữa bệnh. Sở Y tế TP cũng cho biết để không gây xáo trộn khi chuyển hơn 1,3 triệu thẻ BHYT đang đăng ký ở tuyến tỉnh về tuyến cơ sở, sở sẽ phối hợp với BHXH TP xây dựng lộ trình và quy trình chuyển đổi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu sao cho phù hợp với nhu cầu của người dân và khả năng của cơ sở y tế, để đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người tham gia BHYT.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét